Đề phòng đột tử do truỵ tim
Trong tim có một hệ thống điện nội bộ có chức năng kiểm soát nhịp tim.

Trụy tim xảy ra khi hệ thống điện của tim hoạt động bất thường, nhịp tim bị rối loạn, tim đột nhiên ngưng hoạt động trong một khoảng thời gian nhưng cũng có thể ngừng đập hẳn. Đây là một tình trạng cực kỳ nguy kịch, bệnh nhân có nguy cơ cao tàn tật do thiếu máu vận chuyển oxy đến não làm não tổn thương vĩnh viễn hoặc nguy cơ bị đột tử.

Nguyên nhân dẫn đến trụy tim

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trụy tim, trong đó phổ biến nhất là rung thất và rung nhĩ, đặc biệt là trên những bệnh nhân xơ vữa động mạch vành cấp hoặc mạn tính.

Rung thất: là tình trạng các buồng tim (hai ngăn tâm nhĩ ở trên và hai ngăn tâm thất ở dưới) co bóp đến mức không kiểm soát, rung động vô ích thay vì bơm máu. Rung thất làm thay đổi nhịp tim đáng kể, huyết áp giảm đột ngột, một số trường hợp làm cắt đứt nguồn cung cấp máu đến các cơ quan quan trọng gây đột tử.

Rung nhĩ: nút xoang là nút chủ nhịp của tim, nó tập hợp các tế bào cơ tim biệt hóa có khả năng phát ra các xung động điện đều đặn, những xung động này sẽ được dẫn truyền đến các tế bào tim, chỉ huy quả tim co bóp nhịp nhàng. Khi xung động không xuất phát từ nút xoang mà xuất phát từ các vị trí khác trong 2 buồng tâm nhĩ sẽ dẫn đến kích thích cơ nhĩ liên tục, tâm thất không thể bơm máu cho cơ thể một cách hiệu quả, tình trạng này gọi là rung nhĩ.


Khi có triệu chứng bệnh, cần đến bác sĩ chuyên khoa để khám.

Ai dễ bị trụy tim?

Người có tiền sử mắc các bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch vành cấp và mạn tính, bệnh phì đại cơ tim, bệnh cơ tim giãn nở, viêm cơ tim, bệnh van tim, bất thường điện sinh lý tim...; Có tiền sử trụy tim hoặc gia đình có người từng bị trụy tim; Người sử dụng ma túy hoặc các chất kích thích; Người có chế độ dinh dưỡng mất cân bằng, mức độ kali và magie thấp; Người hút thuốc lá, nghiện rượu, béo phì; Người mắc các bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, cholesterol máu; Giới tính và tuổi tác: nam giới có tỉ lệ trụy tim mạch dẫn đến đột tử cao hơn nữ giới. Bệnh thường xảy ra ở nam trên 45 tuổi và nữ trên 55 tuổi; Người bệnh xơ vữa động mạch vành có nguy cơ trụy tim mạch.

Các triệu chứng của bệnh trụy tim: Khi bị trụy tim, bệnh nhân thường gặp các triệu chứng là: Ngã xuống đột ngột; Ngừng thở; Đau ngực, choáng, ngất; Khó thở; Đau ở hai cánh tay, đau cổ, đau lưng, đau hàm dưới, đau thượng vị, toát mồ hôi.


Các bước chính trong hồi sức tim phổi.

Làm gì để cứu người bị trụy tim?

Hãy ngay lập tức gọi cấp cứu hoặc người thân để đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Tổn thương não hoặc tử vong có thể xảy ra chỉ trong 4-6 phút.

Tế bào não là những tế bào đặc biệt nhất cơ thể, khi đã bị tổn thương thì không thể tái tạo và bù đắp như các tế bào khác. Khả năng chịu đựng thiếu oxy tối đa của não trong điều kiện bình thường là 5 phút. Khoảng thời gian này gọi là giai đoạn chết lâm sàng, việc cung cấp lại máu não và oxy phải được tiến hành trong giai đoạn này mới có thể cứu được bệnh nhân. Khi bệnh nhân trụy tim mạch đã mất ý thức, ngừng thở, trong thời gian chờ xe cấp cứu, có thể thực hiện các bước cấp cứu ngừng tim đột ngột cơ bản sau để tăng cơ hội sống cho bệnh nhân:

Khai thông đường thở: đặt bệnh nhân nằm ngửa trên nền cứng, đầu và cổ ưỡn tối đa, mặt quay về một bên. Người cấp cứu dùng tay mở miệng bệnh nhân, móc sạch đờm dãi và dị vật.

Thổi ngạt cho bệnh nhân: có thể thổi miệng-miệng hoặc miệng-mũi, tuy nhiên, thổi miệng-miệng thường có hiệu quả hơn. Dùng một bàn tay đặt trên trán bệnh nhân, ấn ngửa đầu bệnh nhân ra sau, dùng ngón trỏ và ngón cái kẹp mũi bệnh nhân lại. Các ngón tay của bàn tay thứ hai nâng hàm dưới của bệnh nhân ra trường đồng thời mở miệng người bệnh. Người cấp cứu hít sâu áp chặt miệng và miệng nạn nhân, thổi hết không khí dự trữ qua miệng người bệnh. Tần số thổi nên từ 10-12 lần/phút, nếu làm đúng kỹ thuật, sau mỗi lần thổi sẽ thấy lồng ngực bệnh nhân nở vồng lên.

Ép tim ngoài lồng ngực: chọn vị trí thích hợp ở một bên người bệnh, một bàn tay đặt lên chính giữa 1⁄2 dưới xương ức, bàn tay kia đặt chồng lên bàn tay trước, các ngón tay xen kẽ cùng chiều nhau, dùng lực ép vuông góc xuống lồng ngực bệnh nhân sao cho xương ức lún xuống 4-5cm, sau đó nhấc tay lên thực hiện nhịp ép thứ hai, tần số ít nhất là 100 lần/phút.

Hai động tác ép tim và thổi ngạt được thực hiện xen kẽ nhau nhịp nhàng theo chu kỳ hồi sinh tim phổi. Một chu kỳ hồi sinh tim phổi gồm 30 lần ép tim, sau đó là 2 lần thổi ngạt.
Nếu thường xuyên có các triệu chứng như đau ngực, đau đầu, chóng mặt, nhịp tim không đều, khó thở, thở khò khè, ngất xỉu,... hãy tới các cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra các nguy cơ của bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, tạo cho mình các thói quen tốt trong ăn uống và sinh hoạt, không hút thuốc lá, uống rượu, chế độ ăn cân bằng, giàu dưỡng chất, tích cực vận động thể lực,... để đề phòng nguy cơ trụy tim mạch đe dọa tính mạng.

Báo sức khỏe đời sống

 
Top