Những dấu hiệu trở nặng của trẻ mắc tay chân miệng, cha mẹ lưu ý
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, dấu hiệu quan trọng nhất để nhận biết trẻ bị chân tay miệng trở nặng là giật mình. Nếu trong vòng 30 phút mà trẻ bị giật mình 2 lần trở lên thì cha mẹ phải cho bé đến viện ngay.

Các dấu hiệu trở nặng của bệnh tay chân miệng

BS. Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM cho biết, trong quá trình theo dõi trẻ bị tay chân miệng, quan trọng nhất là phụ huynh làm sao phát hiện cho được dấu hiệu bệnh tay chân miệng trở nặng.

Theo bác sĩ Khanh, dấu hiệu quan trọng nhất và đầu tiên ở trẻ là giật mình. Theo đó, gần như tất cả những em bé bị tay chân miệng trở nặng đều có dấu hiệu trước đó là giật mình. Việc giật mình này xuất hiện khi trẻ thiu thiu ngủ, em bé bắt đầu nhắm mắt nằm ngửa ra ngủ thì bắt đầu nảy mình lên, mở mắt nhìn trở lại, tiếp đó ngủ lại và tiếp tục giật mình. Nếu trong vòng 30 phút mà trẻ giật mình 2 lần trở lên thì chắc chắn sẽ trở nặng, cha mẹ phải cho trẻ đến viện ngay.

Ngoài ra, có 1 số trẻ sẽ quấy khóc liên tục, mạch nhanh, da nổi bông tím hoặc trẻ yếu tay, yếu chân. Đó là dấu hiệu trẻ trở nặng, phụ huynh phải cho con đến viện ngay.

Dấu hiệu quan trọng thứ ba là khi trẻ có dấu hiệu sốt trên 2 ngày và sốt cao (trẻ sốt cao liên tục trên 38,5 độ C, dùng thuốc Paracetamol cũng không hạ) thì cha mẹ cần cho trẻ đi khám bác sĩ.

Cũng theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trường hợp trẻ không có những dấu hiệu trên, phụ huynh cần bình tĩnh theo dõi tư vấn của bác sĩ.

Phòng bệnh tay chân miệng ở trẻ

BS. Trương Hữu Khanh cho hay, quan trọng nhất trong phòng ngừa bệnh tay chân miệng ở trẻ là phải làm sao để bệnh chân tay miệng không lây ra cả lớp.

Theo đó, nếu trẻ đi học mà bị tay chân miệng thì phụ huynh cần cho con ở nhà. Tiếp theo, phụ huynh gọi điện báo cho nhà trường để sàng lọc xem có trường hợp thứ hai mắc tay chân miệng hay không để bảo đảm các em bé khác trong trường, lớp đó không bị lây.

"Trong trường hợp, trẻ ở nhà bị chân tay miệng thì phụ huynh cần dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, vệ sinh bề mặt các đồ chơi và vật dụng, rửa sạch và chú ý xem virus bệnh chân tay miệng nó tồn tại ở đâu. Ví dụ, nó có thể tồn tại trong miệng của trẻ do trẻ có thói quen ngậm đồ chơi trong miệng và tay vung vãi lung tung hoặc trẻ ngậm đồ chơi rồi bỏ ra, trẻ khác lại ngậm lại...", bác sĩ Khanh nói.

Cũng theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, các phụ huynh cần chú ý vệ sinh những vật dụng có thể lây bệnh tay chân miệng. Đặc biệt, cần rửa tay cho trẻ trước khi vào lớp và trước khi về nhà để tránh cho trẻ đi học không bị bệnh tay chân miệng.

Cách chăm sóc trẻ tay chân miệng tại nhà

Tay chân miệng là bệnh lây qua đường tiêu hóa. Hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng. Do đó, chú trọng phòng bệnh trong cộng đồng là biện pháp tốt nhất để bảo vệ trẻ và gia đình.

TS. BS Đỗ Thiện Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, để phòng bệnh tay chân miệng, cha mẹ nên:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, vệ sinh sạch sẽ cho con hàng ngày. Phụ huynh đặc biệt cần rửa tay bằng xà bông trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
  • Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; dùng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
  • Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
  • Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
  • Sử dụng toilet hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Số trẻ em nhập viện và điều trị ngoại trú vì bệnh tay chân miệng tại TP.HCM đang tăng khá cao. Một số chuyên gia bệnh truyền nhiễm đánh giá, TP.HCM có thể đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch tay chân miệng vào tháng 10 và 11 tới nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính từ đầu năm tới nay, TP.HCM ghi nhận hơn 15.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng.

Trong tuần 40 (từ ngày 26/9/2022 đến 2/10/2022), TP.HCM ghi nhận thêm 532 ca bệnh tay chân miệng, tăng 22,9% so với trung bình 4 tuần trước đó.

Theo Báo sức khỏe đời sống
 
Top