VITAMIN A - NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ VI CHẤT QUAN TRỌNG NÀY
Vitamin A là một trong 3 loại vi chất (iod, vitamin A, sắt) mà trẻ em Việt thường bị thiếu hụt, dẫn đến sức đề kháng kém, chậm phát triển và dễ mắc các bệnh lý nguy hiểm
Trước hết chúng ta cùng tìm hiểu vai trò của Vitamin A đối với cơ thể:
   - Vitamin A tham gia chức năng thị giác. Thiếu Vitamin A nặng mà không điều trị kịp thời có thể gây mù vĩnh viễn.
   - Vitamin A đóng vai trò trong quá trình tăng trưởng, giúp cho trẻ phát triển bình thường. Thiếu Vitamin A làm xương mềm và mảnh hơn bình thường, trẻ chậm lớn.
   - Vitamin A tham gia đáp ứng miễn dịch, làm tăng khả năng đề kháng của cơ thể đối với bệnh tật. Thiếu Vitamin A, trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn và khi mắc bệnh, thời gian bị bệnh kéo dài hơn, nguy cơ tử vong ở trẻ cao hơn.
   - Vitamin A giúp duy trì cấu trúc bình thường của da, niêm mạc và biệt hóa tế bào.
   - Vitamin A tham gia vào quá trình tạo máu. Thiếu Vitamin A liên quan chặt chẽ thiếu máu do thiếu sắt do thiếu Vitamin A có thể cản trở hấp thu, vận chuyển, dự trữ sắt.
Các nguyên nhân thường gặp gây thiếu Vitamin A:
   - Do thiếu cung cấp Vitamin A: do khẩu phần ăn thiếu hụt, trẻ không được bú mẹ, khẩu phần ăn thiếu dầu, mỡ làm giảm hấp thu Vitamin A do Vitamin A tan trong chất béo…
   - Do nhiễm khuẩn hay nhiễm KST: sởi, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, viêm đường hô hấp, nhiễm giun đũa…
   - Do suy dinh dưỡng – protein năng lượng. Suy dinh dưỡng thường đi kèm thiếu Vitamin A, thiếu protein làm ảnh hưởng quá trình chuyển hóa Vitamin A. Ngoài ra thiếu một số vi chất như kẽm cũng ảnh hưởng tới chuyển hóa Vitamin A.
 
Các loại thực phẩm chứa vitamin A

Vậy dấu hiệu nào giúp chúng ta nhận biết trẻ thiếu Vitamin A?
   Biểu hiện sớm nhất của bệnh khô mắt do thiếu Vitamin A: Quáng gà. Là hiện tượng giảm thị lực trong điều kiện thiếu ánh sáng. Trẻ sẽ có biểu hiện ít hoạt động, nhút nhát, chỉ ngồi yên tại chỗ. Dấu hiệu này khó phát hiện ở trẻ còn nhỏ và ở trẻ chưa biết đi. Trẻ lớn thường phải lần tường khi đi lại và hay va vấp vào những đồ vật trên lối đi và hay bị vấp ngã. Trẻ không biết tìm nhặt đồ chơi và không cầm đúng thức ăn khi mẹ đưa cho. Quáng gà do thiếu Vitamin A khi được điều trị bằng Vitamin A liều cao sẽ khỏi bệnh nhanh sau 2, 3 ngày.
Chúng ta nên làm gì để phòng chống thiếu Vitamin A?
1.  Giáo dục về dinh dưỡng:
   - Nuôi con bằng sữa mẹ
   - Chế độ ăn giàu Vitamin A: Cơ thể chúng ta không thể tự tổng hợp Vitamin A mà cần cung cấp qua thức ăn. Nguồn Vitamin A từ động vật: thịt, cá, trứng, sữa, gan, cật, tôm… Nguồn Vitamin A từ thực vật: rau lá xanh đậm: muống, dền, cải, ngót, diếp, hành lá, hẹ, củ quả màu vàng: bí đỏ, cà rốt, gấc, khoai lang, đu đủ…
   - Bổ sung dầu, mỡ trong khẩu phần ăn
2.   Phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn: Đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch
3.  Bổ sung Vitamin A định kỳ
   - Trẻ dưới 1 tuổi: uống Vitamin A 100.000UI 6 tháng/ 1 lần
   - Trẻ 1-3 tuổi: uống Vitamin A 200.000UI 6 tháng/ 1 lần

Bs Bảo An - Tổ Dinh dưỡng
 
Top