Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính dễ bùng phát thành dịch, do trực khuẩn Corynebacteirum diphtheria (Klebs-Leoffler) gây ra. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao, trung bình tù 5 - 10% trên tổng số ca bệnh do đó cực kỳ nguy hiểm.
Bệnh bạch hầu có tỷ lệ tử vong cao, trung bình tù 5 - 10%
Bất cứ đối tượng nào mà chưa được tiêm phòng vắc xin phòng bạch hầu khi tiếp xúc với mầm bệnh đều có thể bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi do sức đề kháng yếu.
Đường lây truyền bệnh
Bệnh bạch hầu lây truyền trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp khi nói chuyện, tiếp xúc với dịch tiết, tổn thương da hoặc gián tiếp qua đồ dùng cá nhân, bề mặt, thức ăn, đồ uống mang vi khuẩn gây bệnh.
Đường lây truyền của bệnh bạch hầu
Người đang bị bệnh, người lành mang bệnh hoặc người vừa khỏi bệnh đều có thể trở thành nguồn lây, thậm chí người vừa khỏi bệnh còn mang vi khuẩn từ 2 tuần đến vài năm.
Chính vì những lý do trên mà bệnh bạch hầu rất dễ lây lan và bùng phát thành dịch nếu chúng ta chủ quan và không có các biện pháp ngăn ngừa bệnh kịp thời (Trích lời của quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long: "Cần tập trung hết sức phòng chống bệnh bạch hầu như đã cố gắng phòng chống dịch Covid-19").
Triệu chứng lâm sàng
Người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu có thời gian ủ bệnh từ 2-5 ngày cũng có khi từ 1-10 ngày.
Vi khuẩn tiết ra ngoại độc tố gây hủy hoại niêm mạc tạo ra lớp giả mạc màu trắng bám vào trong họng, khẩu cái mềm, amidan, lưỡi. Nếu không được điều trị sớm lớp màng trắng sẽ bám và lan xuống vùng thanh quản gây khàn giọng, khó thở, ho lâu ngày sẽ làm tắc đường thở.
Triệu chứng lâm sàng của bệnh bạch hầu
Nguy hiểm hơn, vi khuẩn bạch hầu không chỉ gây ra viêm họng, nóng, sốt mà ngoại độc tố của vi khuẩn còn hấp thụ vào máu và phân tán khắp cơ thể gây ra các tổn thương tại hệ thần kinh trung ương, tim, thận, suy hô hấp… dẫn tới tử vong.
Bệnh có thể phát triển ở bất cứ vị trí niêm mạc nào trên cơ thể. Căn cứ theo vị trí có thể phân thành nhiều loại:
- Bạch hầu hô hấp: mũi, họng, thanh quản/khí phế quản;
- Bạch hầu da;
- Bạch hầu mắt;
- Bạch hầu sinh dục;
- Biến chứng toàn thân: Tim mạch và thần kinh.
Chẩn đoán bệnh
Chia sẻ về vai trò của việc chẩn đoán sớm bệnh bạch hầu, ThS Phạm Văn Ngãi - PGĐ Trung tâm Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết: “Việc chẩn đoán sớm căn nguyên gây bệnh có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp phân biệt được các triệu chứng của bệnh bạch hầu với các bệnh lý khác như nhiễm nấm candida vùng họng… để có biện pháp điều trị kịp thời, đó là việc tiêm kháng độc tố bạch hầu càng sớm càng tốt. Nếu để ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu phân tán càng nhiều trong máu đến các bộ phận khác và gắn vào các mô thì khi đó kháng độc tố không còn khả năng trung hòa độc tố nữa bởi kháng độc tố chỉ có khả năng trung hòa độc tố còn đang lưu hành trong máu. Khi đó việc điều trị sẽ vô cùng khó khăn và tỉ lệ tử vong cao”.
Để chẩn đoán chính xác bệnh bạch hầu cần căn cứ vào 2 yếu tố:
1. Thăm khám lâm sàng:
Theo dõi các triệu chứng lâm sàng và quan sát tính chất của giả mạc (màng giả): có màu trắng xám, dính chặt vào niêm mạc, bóc tách gây chảy máu, không tan trong nước, sau bóc tách mọc lại và lan nhanh.
2. Các xét nghiệm trong sàng lọc và chẩn đoán bệnh bạch hầu:
a. Xét nghiệm nhuộm soi: là xét nghiệm bước đầu để sàng lọc bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
Xét nghiệm nhiệm soi vi khuẩn bạch hầu
+ Bệnh phẩm: dịch ngoáy họng có giả mạc;
+ Thời gian trả kết quả: khoảng 60 phút sau khi phân tích mẫu;
+ Ưu điểm của xét nghiệm này là thời gian trả kết quả nhanh, giá thành rẻ, dễ áp dụng tại các phòng xét nghiệm vi sinh cơ bản. Đặc biệt xét nghiệm có ý nghĩa lâm sàng lớn trên bệnh nhân có các đặc điểm lâm sàng của bệnh bạch hầu, có giả mạc điển hình bởi trực khuẩn bạch hầu có hình dạng đặc trưng: trực khuẩn cong, bắt màu Gram dương và có hình chùy.
Tuy nhiên, khi quan sát tiêu bản nhuộm soi trực tiếp có thể có nhiều vi khuẩn giống hình ảnh vi khuẩn bạch hầu: Corynebacterium xeroxis, C.pseudodiptheritium, C.pyogenes. Do vậy, không thể căn cứ vào kết quả nhuộm Gram soi để chẩn đoán xác định và chỉ định hướng nghĩ đến bệnh bạch hầu nếu dương tính.
b. Xét nghiệm "vi khuẩn bạch hầu real-time PCR": Phát hiện chính xác chủng vi khuẩn gây bệnh (phát hiện gene sinh độc tố). Xét nghiệm được thực hiện trên hệ thống máy giải trình tự gen hiện đại của MEDLATEC giúp chẩn đoán xác định người bị bạch hầu với độ chính xác 100%.
Xét nghiệm vi khuẩn bạch hầu real-time PCR
+ Bệnh phẩm: dịch ngoáy họng có giả mạc;
+ Thời gian trả kết quả 3-4 ngày sau nhận mẫu (trừ thứ 7, chủ nhật);
- Ngoài ra, còn có phương pháp nuôi cấy tìm vi khuẩn bạch hầu thường sử dụng khi nghiên cứu dịch tễ bởi thời gian nuôi cấy lâu, thường sau 5 ngày có kết quả.
Biện pháp phòng bệnh bạch hầu
1. Tiêm vắc xin là cách hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh bạch hầu.
- Từ năm 1985, Việt Nam chính thức đưa vắc-xin bạch hầu vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cùng với 5 bệnh khác là lao, ho gà, uốn ván, bại liệt và sởi.
- Hiện nay, không có vắc-xin phòng bạch hầu đơn giá, vắc-xin Bạch hầu được cung cấp dưới dạng vắc-xin phối hợp (6 trong 1 và 3 trong 1) nhằm giúp ngăn ngừa thêm các bệnh lý khác trong cùng 1 mũi tiêm, giúp giảm số mũi tiêm, giảm đau cho trẻ.
- Hiệu quả bảo vệ của vắc xin cao, miễn dịch bảo vệ sau tiêm thường kéo dài khoảng 10 năm nhưng sẽ giảm dần theo thời gian và không mang lại miễn dịch suốt đời, vì vậy việc tiêm nhắc cho trẻ lớn và người lớn là vô cùng cần thiết.
Tiêm vắc xin là cách hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh bạch hầu
Các xét nghiệm đánh giá tình trạng miễn dịch với vi khuẩn bạch hầu:
- Mục đích: chỉ định cho người đã tiêm phòng để đánh giá hiệu quả phòng ngừa vắc xin, tình trạng miễn dịch với bạch hầu và cân nhắc tiêm nhắc lại vắc xin phòng bệnh bạch hầu.
a. Thử nghiệm Shick: Tiêm 0.1 mL độc tố BH, 24-48h có quầng đỏ, cộm cứng 1-2 cm đạt cực đại 5 ngày Dương tính (chưa có miễn dịch với bạch hầu). Hiện nay thử nghiệm này không được sử dụng nhiều trên lâm sàng do không có sẵn các thuốc thử tại các bệnh viện.
b. Thử nghiệm miễn dịch ELISA: "Vi khuẩn bạch hầu định tính và định lượng kháng thể IgG" bằng phương pháp ELISA:
- Mẫu bệnh phẩm: huyết thanh người được thử nghiệm, định lượng kháng thể kháng bạch hầu IgG và biện luận kết quả như sau:
+ <0.01 IU/mL: không có giá trị bảo vệ
+ Từ 0,01-0,1 IU/mL: có giá trị bảo vệ một phần (nghĩa là có thể bảo vệ chống lại bệnh độc nặng);
+ IgG >0,1 IU /mL: nồng độ có giá trị bảo vệ.
2. Đảm bảo nhà ở, nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, đủ ánh sáng vì dưới ánh sáng mặt trời, vi khuẩn bạch hầu chỉ sống được vài giờ còn trong điều kiện thiếu ánh sáng, vi khuẩn sống tới 6 tháng.
3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng;
4. Che miệng khi ho hoặc hắt hơi;
5. Giữ vệ sinh thân thể mũi, họng hàng ngày;
6. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngời mắc bệnh;
7. Nếu có dấu hiệu nghi bệnh cần tới ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Trước tình hình dịch bệnh, Ban lãnh đạo trung tâm y tế Thành phố Hà Tĩnh đã chỉ đạo khoa truyền nhiễm chủ động tiếp nhận, điều trị bệnh nhân trong mọi trường hợp, đảm bảo phòng ốc cách ly an toàn tránh lây lan. Chỉ đạo khoa Dược thiết bị y tế đảm bảo cung cấp đầy đủ bảo hộ y tế cho các Thầy thuốc trong khám và chữa bệnh cho người Dân.