Điều dưỡng viên – nhân tố không thể thiếu trong mỗi bệnh viện
Mỗi con người từ khi sinh ra, trải qua quy luật sinh lão bệnh tử, không thể thiếu đi sự chăm sóc điều dưỡng. Chính vì vậy mà vai trò của đội ngũ điều dưỡng trong mỗi cơ sở ý tế luôn được đề cao và chú trọng.
Trong tổng số nhân lực làm việc tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh, số lượng điều dưỡng viên là 118 người, chiếm gần 50% nhân lực bệnh viện. Đây được xem là một trong những đội ngũ cốt cát mang hình ảnh đẹp của bệnh viện đến với người bệnh, tạo sự hấp dẫn của bệnh viện, sự hài lòng của bệnh nhân, cũng như góp phần thầm lặng cho sự thành công của công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện.
Trước tình hình số lượng bệnh nhân ngày càng tăng, sự cần thiết của bộ phận điều dưỡng ngày càng được thấy rõ, nhưng với số lượng nhân lực còn mỏng, vì vậy công việc của một điều dưỡng viên tại bệnh viện sẽ nhiều hơn, phức tạp hơn. Nhưng thông qua đó mới thấy được sự vất vả, lòng yêu nghề và sẵn sàng hy sinh của những điều dưỡng viên, vì bệnh nhân và vì hoạt động của bệnh viện nói chung.
Điều dưỡng viên là một trong những nhân tố cốt cán xây dựng hình ảnh đẹp cho bệnh viện.
“Ngọn đuốc sống” thầm lặng
Người ta nói rằng nếu như không mang trong mình một tình yêu đích thực với nghề thì những điều dưỡng viên sẽ khó lòng hoàn thành tốt nhất sứ mệnh của mình với bệnh nhân. Sứ mệnh thầm lặng mà ít ai biết đến.
Những con người với sự hy sinh thầm lặng ít ai biết được.
Gian nan chuyện nghề
Chăm sóc cho một người bệnh đã là cả vấn đề, chưa kể đến một điều dưỡng viên phải tiếp xúc và chăm sóc với hàng trăm, hàng ngàn bệnh nhân trong suốt quãng đời nghề của mình, mới thấu được sự áp lực và vất vả của họ lớn đến mức nào. Thêm vào đó, mỗi bệnh nhân khi mang trong mình những căn bệnh khác nhau, sẽ có những tâm trạng khác nhau, buộc những điều dưỡng viên không chỉ phải am hiểu về bệnh lý để có thể chăm sóc thể lực, mà còn phải thấu hiểu tâm lý để có thể mang đến cho bệnh nhân sự thoải mái nhất khi điều trị tại viện. Vậy mới nói một điều dưỡng viên cũng như một bác sĩ tâm lý với người bệnh. Do tính chất công việc của nghề, những người điều dưỡng luôn phải rèn luyện mình vững vàng trước những tình huống cấp cứu khẩn cấp, yêu nghề, yêu bệnh nhân dường như là những tố chất cần có.
Một ngày với vô vàn công việc khác nhau của đội ngũ điều dưỡng viên.
Một ngày của điều dưỡng viên được bắt đầu từ lúc 7h sáng, với vô vàn những công việc như việc chuẩn bị dụng cụ, thuốc uống, tiêm cho bệnh nhân. Sau đó đưa thuốc đến từng buồng bệnh, cho từng bệnh nhân, đảm bảo đúng người đúng thuốc, đủ liều. Cuối cùng sẽ thu dọn dụng cụ và ghi chép hồ sơ. Chưa kể đến việc những điều dưỡng viên sẽ là người hướng dẫn, đưa bệnh nhân đi khám mỗi ngày. Công việc của một điều dưỡng viên có thể nói là những chuỗi công việc kéo dài, liên tục, cần thiết với bệnh nhân và tổ chức hoạt động của bệnh viện, cụ thể:
-
Tiếp đón, hướng dẫn cho bệnh nhân và người nhà làm thủ tục hành chính khi vào viện, cũng như tuân thủ đúng những quy định của bệnh viện
-
Theo dõi và bám sát bệnh nhân về mọi diễn biến của sức khỏe và tâm lý, để có thể báo cáo kịp thời với bác sĩ chuyên trách
-
Xem xét tình trạng bệnh nhân để có kế hoạch điều trị và chăm sóc đúng người, đúng bệnh
-
Thực hiện thao tác sơ cứu, cấp cứu ban đầu
-
Tiến hành chăm sóc người bệnh hấp hối và tử vong
-
Giúp đỡ người bệnh trong việc luyện tập thể lực, phục hồi chức năng
-
Phụ giúp cho bác sĩ khi tiến hành quá trình khám bệnh, thực hiện thủ thuật và điều trị
-
Động viên tâm lý người bệnh để họ yên tâm điều trị, hướng dẫn tận tình cho người bệnh và thân nhân về quy trình chăm sóc sức khỏe sau khi điều trị
-
Phổ biến những kiến thức về sức khỏe cũng như tiến hành khám ban đầu
-
Tham gia vào công tác hướng dẫn nhân viên mới và các thực tập sinh tại bệnh viện
-
Tham gia công tác hành chính, quản lý bệnh án, hồ sơ sổ sách, các trang thiết bị và dụng cụ của bệnh viện
-
Thực hiện luật bảo vệ sức khỏe nhân dân và những quy định về chuyên môn của bộ y tế.
Không chỉ là một thầy thuốc, một điều dưỡng viên còn như bác sỹ tâm lý của bệnh nhân.
Giấc ngủ không tròn
Với vai trò điều dưỡng viên của mình, những con người này luôn luôn sẵn sàng cho mình tâm lý thức cùng bệnh nhân, trải qua những đêm trắng, những giấc ngủ không tròn. Bởi với những người bệnh nội trú, các điều dưỡng viên sẽ phải chia ca trực đêm để theo sát bệnh nhân, phòng khi có những bất trắc xảy ra giữa đêm. Bởi vậy những điều dưỡng viên phải luôn sẵn sàng cho mình tâm lý ứng biến với những bất ổn ở người bệnh, những ca cấp cứu giữa đêm.
Tình yêu nghề, yêu bệnh nhân làm nên kỳ tích
Một điều dưỡng viên muốn hoàn thành tốt những nhiệm vụ của mình, ngoài kỹ năng chuyên môn vững vàng, thì đó còn là tình yêu nghề và tình yêu thương đối với người bệnh.
Nghề điều dưỡng là nghề sẽ trải qua vô vàn cảm xúc, vui, buồn, tốt, xấu…từ công việc của mình và những bệnh nhân. Mọi trải nghiệm mà nghề này nếm trải sẽ không chỉ là những kỷ niệm vui buồn với người bệnh, mà còn là những bài học y đức sâu sắc mà chưa một trường lớp nào đào tạo nên. Chính vậy mà những điều dưỡng luôn luôn gắn với sự gần gũi, thân tình với bệnh nhân. Và đây cũng chính là những nhân tố làm nên sự thành công, sự gắn bó lâu dài với nghề của những điều dưỡng viên. Thậm chí có những người đã về hưu vẫn tận tình thực hiện công tác chăm sóc nhân dân.
Tình yêu nghề là sợi dây giúp điều dưỡng viên gắn bó lâu nhất với nghề.
Tình yêu nghề, yêu người bệnh chính là động lực cho điều dưỡng viên làm tốt vai trò của mình.
Tình yêu thương với bệnh nhân là động lực làm việc của những điều dưỡng viên.
Những con người vẫn đang hằng ngày hy sinh thầm lặng cho sức khỏe người bệnh.
Trong không khí hướng đến ngày Điều dưỡng thế giới, chúc cho những người làm trong ngành này nói chung cũng như điều dưỡng Việt Nam nói riêng luôn có được sự nhiệt huyết với nghề, đạt được nhiều thành tích hơn nữa trong quá trình hoạt động và công tác của mình.
Trần Hoa